Trong các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, nghiệp vụ nhập khẩu hàng hóa là một trong những nghiệp vụ chủ yếu. Việc xác định trị giá hàng hóa nhập khẩu là vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc cách xác định trị giá hàng hóa nhập khẩu chuẩn nhất.
Phạm vi và thời điểm xác định hàng hóa nhập khẩu
Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia với nhau thông qua hợp đồng ngoại thương. Trong các doanh nghiệp này, nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh mua bán hàng hóa với nước ngoài. Trước hết hãy cùng tìm hiểu phạm vi và thời điểm xác định hàng hóa nhập khẩu trong hoạt động kinh doanh ngoại thương.
Phạm vi xác định hàng nhập khẩu
Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, những hàng hóa được xác định là hàng nhập khẩu bao gồm:
– Hàng hóa mua của nước ngoài theo hợp đồng mua bán ngoại thương.
– Hàng của nước ngoài đưa vào tham gia hội chợ, triển lãm, sau đó các doanh nghiệp trong nước mua lại và thanh toán bằng ngoại tệ.
– Hàng hóa nước ngoài viện trợ trên cơ sở các hiệp định thư, nghị định thư kí kết giữa Chính Phủ với nước ngoài, được thực hiện thông qua các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
– Hàng hóa tại các khu chế xuất (phần chia thu nhập của bên đối tác không mang về nước) bán tại nước sở tại và thanh toán bằng ngoại tệ.
Lưu ý: các trường hợp sau hàng hóa không được coi là nhập khẩu:
– Hàng tạm nhập, tái xuất.
– Hàng tạm xuất nay nhập về.
– Viện trợ nhân đạo.
– Hàng quá cảnh (đưa qua nước thứ 3).
Thời điểm xác định hàng nhập khẩu
Thời điểm hàng được coi là nhập khẩu là thời điểm mà người nhập khẩu nắm được quyền sở hữu về hàng hóa và mất quyền sở hữu về tiền tệ hoặc có nghĩa vụ thanh toán tiền cho người xuất khẩu. Thời điểm này phụ thuộc vào điều kiện giao hàng và phương tiện chuyên chở hàng hóa.
Ví dụ như khi nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện CIF:
– Nếu hàng hóa được vận chuyển theo đường biển thì thời điểm hàng được coi là nhập khẩu là khi hải quan cảng ký vào tờ khai hàng hoá nhập khẩu.
– Nếu hàng hóa được vận chuyển theo đường hàng không thì thời điểm hàng được coi là nhập khẩu là khi hải quan hàng không xác nhận hàng đến sân bay đầu tiên của nước nhập khẩu.
Xác định trị giá hàng hóa nhập khẩu
Trị giá hàng hóa nhập khẩu được xác định theo công thức sau:
Trị giá gốc của hàng nhập khẩu nhập kho | = | Trị giá mua phải thanh toán cho người xuất khẩu | + | Các khoản thuế không được hoàn lại | + | Các chi phí phát sinh trong nhập khẩu tính đến thời điểm hàng hóa nhập kho | – | Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng nhập khẩu (nếu có) |
Trong đó, các thành phần của công thức trên được xác định theo công thức sau:
Trị giá mua phải thanh toán cho người xuất khẩu | = | Trị giá mua phải thanh toán cho người xuất khẩu | x | Tỷ giá giao dịch |
Thuế nhập khẩu phải nộp | = | Trị giá hàng nhập khẩu theo giá CIF hoặc giá trong biểu thuế nhập khẩu | x | Thuế suất thuế nhập khẩu |
Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu phải nộp | = | (Giá tính thuế nhập khẩu | + | Thuế nhập khẩu) | x | Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt |
Thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp | = | (Giá tính thuế nhập khẩu | + | Thuế nhập khẩu | + | Thuế tiêu thụ đặc biệt) | x | Thuế suất thuế GTGT |
Các chi phí phát sinh trong khâu nhập khẩu tính đến thời điểm hàng hóa nhập kho
Các chi phí này phụ thuộc vào điều kiện giao hàng như phí thuê kho, bến, bãi, chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển, bốc dỡ…
Lưu ý về chi phí phát sinh trong khâu nhập khẩu tính đến thời điểm hàng hóa nhập kho:
– Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện FOB thì chi phí phát sinh trong khâu nhập khẩu còn
bao gồm: phí vận tải nước ngoài, phí bảo hiểm.
– Đối với hàng nhập khẩu ủy thác còn bao gồm phí ủy thác phải trả cho bên nhận nhập khẩu ủy thác.
Trên đây là cách xác định trị giá hàng hóa nhập khẩu chuẩn và chi tiết nhất. Mời bạn đọc tham khảo và áp dụng. Chúc các bạn thành công.